Titus 2:13 Looking for that blessed hope, and the glorious appearing of THE great God AND our Saviour Jesus Christ.
· Tít 2:13 được trích ra để bảo vệ giáo lý ba ngôi vì có sự hậu thuẫn bởi quy tắc Granville Sharp (1735-1813). Granville Sharp là một nhà cải cách chính trị (giúp bãi bỏ buôn bán nô lệ) người Anh, ông nghiên cứu về ngữ pháp ở Tân Ước để chứng minh niềm tin ba ngôi của ông là đúng. Ông ta rất đề cao về thần tính của Chúa Jesus, những quy tắc và lí luận đều chỉ muốn áp đặt người đọc phải công nhận Jesus là Đức Chúa Trời.
Quy tắc của Granville Sharp cho rằng khi có hai danh từ không phải là danh từ riêng (God and our Saviour), được sử dụng mô tả ai đó và hai danh từ được kết nối bởi từ ‘’VÀ’’ (AND), và danh từ đầu tiên có ‘’MẠO TỪ XÁC ĐỊNH’’ (THE) còn danh từ thứ hai (vế sau) không có, thì cả hai danh từ đều đề cập đến cùng một người hay một Đấng.
Công thức cơ bản của Granville Sharp có thể được xem theo cách này:
‘’THE’’+ noun1 + AND (kai) + noun2
Titus 2:13 ‘’…THE (mạo từ xác định) great God (noun1) AND (và) our Saviour (noun2) = Jesus Christ…’’
· Nhưng vấn đề là quy tắc này ở đâu ra vào thời của Phao-lô để mà áp dụng?
· Nigel Turner là một tiến sĩ người ba ngôi đã nói: ‘’Thật không may, tại thời kỳ của Hy Lạp, chúng tôi không thể chắc chắn rằng có một quy tắc như vậy thực sự tồn tại. ‘’ (Moulton-Howard-Turner, Grammar, volume III, p. 181.)
Ma-thi-ơ 21:12 Đức Chúa Jesus vào đền thờ, đuổi hết KẺ BÁN NGƯỜI MUA (who sold AND bought) ở đó; đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bồ câu.
· Có ai nhầm lẫn ‘’kẻ bán người mua’’ là một người, một điều hay chung một đối tượng không?
Ê-phê-sô 2:20 Anh em đã được dựng nên trên nền của CÁC SỨ ĐỒ CÙNG CÁC ĐẤNG TIÊN TRI (THE apostles AND prophets), chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.
·
Có ai hiểu sai các sứ đồ và các đấng tiên tri là chung một đối tượng hay chức vụ không?
· Rất rõ ràng có mạo từ ‘’THE’’ đứng trước cùng chữ ‘’AND’’ vế sau, có phần giống công thức của Granville Sharp, nhưng có khó hiểu hay nhầm lẫn các đối tượng được nêu ra trong câu?
Như vậy quy tắc Granville Sharp không hợp lệ, vì toàn bộ bố cục kinh thánh cho thấy Đức Chúa Trời là Cha tách biệt với Chúa Jesus. Nếu bàn riêng về Cựu Ước thì chắc chắn tuyển dân Do Thái lẫn chúng ta không một ai hiểu sai về Đức Chúa Trời có một, và Tân Ước thì Phao-lô luôn mở đầu các sách ‘’…Nguyện xin ân điển và sự bình an được ban cho anh em từ nơi ĐỨC CHÚA TRỜI, CHA chúng ta, VÀ từ nơi Đức Chúa Jesus Christ!’’.
Chưa kể, Tân ước được viết bằng văn phong Hy-lạp là do sự phát triển mạnh mẽ và phổ thông của ngôn ngữ Hy-lạp bấy giờ, được tổng hợp và được dịch bởi các dịch giả Hy-lạp, sau đó qua từng thời kì phát triển ngôn ngữ Hy-lạp, thì lại được cải tiến và tái bản cho phù hợp. Nhưng chúng ta biết các sứ đồ là người Do Thái nói tiếng A-ram hay Hê-bơ-rơ, vậy thì sao lại áp dụng công thức Granville Sharp, rồi áp đặt Phao-lô đang trình bày Jesus là Đức Chúa Trời theo công thức Hy-lạp nào đó?
‘’Từ lịch sử rất sớm của bản văn Tân Ước, bây giờ xin luận đến kỷ nguyên các bản thảo. Lời trích lược của Dionysius Alex (264 S.C.); Petrus Alex, (312 S.C.); Methodius (311 S.C.), và Eusèbe (340 S.C.), đều chứng quyết về sự phổ biến lối văn cổ của bản văn Tân Ước, nhưng khi đạo Đấng Christ trở thành một quốc giáo thì tự nhiên dẫn đến những sự thay đổi quan trọng. Lúc ấy, vì có nhiều tín đồ thuộc phái thượng lưu cầu kỳ đòi các bản văn Tân Ước có giá trị cao hơn. Do đó, lối viết chữ Hy-lạp thô thiển của người Hê-lê-nít đã nhường chỗ cho lối viết thông dụng thời bấy giờ, và cũng có lý mà tin rằng cách viết văn thông thường của các Sứ đồ được sửa lại bởi những cách đặt câu êm nhẹ và đầy đủ hơn. Bởi đó, mới có nền tảng của bản văn Byzantine (Constantinople). Trong khoảng đó có thêm nhiều bản sao ở Phi châu và Sy-ri cho đến khi bị ngăn trở bởi những cuộc chinh phục của Hồi giáo.’’ (Trích từ William Smith, L.L.D trình bày về lịch sử tân ước, ông này là tín đồ ba ngôi)
Các sứ đồ mở đầu thư tín cũng luôn tách biệt hai Đấng rõ ràng: Rô-ma 1:7; 1 Cô-rinh-tô 1:3; 2 Cô-rinh-tô 1:2; Ga-la-ti 1:1; Ga-la-ti 1:3; Ê-phê-sô 1:2; Phi-líp 1:2; Cô-lô-se 1:2-3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; 1 Ti-mô-thê 1:2; 2 Ti-mô-thê 1:2; Phi-lê-môn 1:3…
Tít 1:1-4 Ta, Phao-lô, tôi tớ của ĐỨC CHÚA TRỜI và sứ đồ của ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự THÔNG HIỂU LẼ THẬT, là sự sanh lòng nhân đức, 2 trông cậy sự sống đời đời, là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước, 3 tới kỳ chỉ định, Ngài đã bày tỏ LỜI của Ngài ra bởi sự giảng dạy, là sự ta đã chịu giao phó theo mạng lịnh Đức Chúa Trời, là CỨU CHÚA chúng ta, 4 gởi cho Tít, là con thật ta trong đức tin chung: nguyền xin con được ân điển và sự bình an ban cho bởi ĐỨC CHÚA TRỜI, LÀ CHA, VÀ bởi Đức Chúa Jesus Christ, CỨU CHÚA chúng ta!
· Ngay ở Tít 1:1-4 Phao-lô đã mở đầu thư tín rất đầy đủ về hai chủ thể là Đức Chúa Trời và Chúa Jesus Christ.
· Chữ ‘’Cứu Chúa’’ dành cho Đức Chúa Trời và Chúa Jesus không khiến Jesus thành Đức Chúa Trời, vì nghĩa của Jesus (Yeshua) là ‘’Giê-hô-va là sự cứu’’, còn danh Giê-hô-va là ‘’Giê-hô-va là Đấng cứu’’, nên sự tương quan của danh hiệu Jesus bày tỏ Ngài là ‘’Cứu Chúa’’ như đại diện trình bày về Giê-hô-va là tác giả sự cứu chuộc khi sai Jesus tới.
· Nếu Vua sai Tướng đi giải phóng nô lệ, Vua chỉ huy cuộc giải cứu, Tướng thì đánh trực tiếp giải cứu, vậy gọi cả hai là ‘’NGƯỜI GIẢI CỨU’’ thì có biến Vua và Tướng ngang hàng hay là một?
· Bạn A bị tai nạn, bạn B gọi điện bác sĩ C tới cứu, bác sĩ C cứu sống bạn A, và bạn A chỉ cảm ơn bác sĩ C là ‘’ÂN NHÂN CỨU MẠNG’’, còn bạn B là người gọi bác sĩ C để tới cứu, thì không được xem là ân nhân? Còn nếu bạn A xem B cũng là ‘’ÂN NHÂN CỨU MẠNG’’ như bác sĩ C, vậy B và C là một người?
Ê-phê-sô 4:6 chỉ có MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI và MỘT CHA của mọi người, Ngài là TRÊN CẢ MỌI NGƯỜI, giữa mọi người và ở trong mọi người.
1 Cô-rinh-tô 8:6 về phần chúng ta, CHỈ CÓ MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI (God) mà thôi, là ĐỨC CHÚA CHA, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta HƯỚNG VỀ NGÀI; lại chỉ có MỘT CHÚA (Lord) mà thôi, là Đức Chúa Jesus, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.
· Cả hai thư tín Ê-phê-sô 4:6 và 1 Cô-rinh-tô 8:6 của Phao-lô đều xác định chủ thể Đức Chúa Trời là Cha và CÓ MỘT.
· Khi chuyển biến tới Tân Ước, để tránh sự nhầm lẫn khi có đến hai Đấng thì Phao-lô đã hành văn lựa chọn chữ GOD cho Giê-hô-va là Cha, chữ Lord thì dùng cho Jesus.
· Về kiến thức phổ thông thì chữ ‘’God’’ và ‘’Lord’’ là những danh từ chung rất phổ biến để chỉ về ai đó quyền lực, thần linh, hoặc địa vị cao trọng…Nên việc có ép chữ ‘’God, god’’ vào Jesus thì không khiến Jesus trở thành Đấng Thần Linh tối cao như Giê-hô-va, vì toàn bộ bố cục kinh thánh đã mô tả duy Giê-hô-va là độc tôn không ai sánh bằng.
· Giáo lý ba ngôi chỉ chuyên lí luận để mô tả Chúa Jesus là Đức Chúa Trời bởi việc áp đặt ngôn ngữ. Không thể nào lấy ngôn ngữ hạn chế loài người, nhất là danh từ chung sử dụng rộng rãi, để cuối cùng diễn giải vì cấu trúc ngôn ngữ đó, mà khiến Jesus phải là Đức Chúa Trời.
Tiếng Hy-lạp không có dấu phẩy, chấm câu hay số câu…Vậy sẽ có những trường hợp sau trong Tít 2:13:
Kiểu 1: (Khiến hiểu Jesus như là Đức Chúa Trời)
· Tít 2:13 đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển ĐỨC CHÚA TRỜI LỚN VÀ CỨU CHÚA CHÚNG TA, LÀ Đức Chúa Jesus Christ.
Kiểu 2: (Hiểu đúng có hai chủ thể là Đức Chúa Trời và Jesus)
· Tít 2:13 đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển ĐỨC CHÚA TRỜI LỚN, VÀ Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ.
Hai kiểu trên cũng như ví dụ sau:
Kiểu 1: (Cho thấy có hai con và vợ chồng)
· Gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc.
Kiểu 2: (cho thấy có hai vợ và chồng)
· Gia đình có hai con vợ, chồng hạnh phúc.
Giáo lý ba ngôi cũng đã áp dụng như ví dụ trên để giải thích lố bịch về Tít 2:13. Khi đọc toàn bộ thư tín Phao-lô thì ta thấy ông luôn chia ra hai chủ thể tách biệt, Đức Chúa Trời là Cha và Chúa Jesus là Con của Cha, không có sự nhầm lẫn để gọi Jesus là Đức Chúa Trời hay ‘’mầu nhiệm’’ cả hai là một Đức Chúa Trời.
Tại sao Phao-lô lại đề cập Đức Chúa Trời và Chúa Jesus hiện ra ở Tít 2:13?
Ma-thi-ơ 16:27 Vì Con người (Jesus) sẽ ngự TRONG SỰ VINH HIỂN CỦA CHA MÌNH mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.
· Cho nên Phao-lô biết rằng, Chúa Jesus sẽ hiện ra trong sự vinh quang của Cha Ngài mà xuống cùng thiên binh thiên sứ, nên ông đã đề cập hai chủ thể ‘’sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.’’
· Khi Chúa Jesus trở lại, được bao phủ bởi sự hiện diện của Cha thì điều đó có hiểu Jesus là Đức Chúa Trời?
· Đa-vít đã mô tả ‘’tôi sẽ đi đâu xa thần Chúa’’, chứng tỏ sự hiện diện của Cha bao phủ khắp tất cả mọi nơi, huống chi ngày Jesus trở lại rất vĩ đại, mà Giê-hô-va không cùng ‘’đồng hành’’ với Con Ngài?
Nếu sau những gì Phao-lô đã trình bày qua các thư tín, về Đức Chúa Trời là Cha và Jesus là hai Đấng, nhưng giáo lý ba ngôi lại dạy ở Tít 2:13 là chỉ nói về một Đấng, thì xin hỏi thật lòng là dễ hiểu hay rối trí?
Xin đừng diễn giải sai trật thư tín Phao-lô để bảo vệ giáo lý ba ngôi, oan cho Phao-lô lắm!
